Liên hệ với chúng tôi

Tin Tức

Gần 5000 xe container xếp hàng chờ "dài cổ" ở cửa khẩu Lạng Sơn

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, lượng tồn các xe chưa thông quan được tại các cửa khẩu vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên.

Gần 5000 xe container xếp hàng chờ 'dài cổ' ở cửa khẩu Lạng Sơn

Xuất bản:

Minh Hằng
Gần 5000 xe container xếp hàng chờ 'dài cổ' ở cửa khẩu Lạng Sơn
Photo: internet

Lí do gần 5.000 xe container dài cổ chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn 

Theo số liệu cập nhật đến ngày 17/12 của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, lượng tồn các xe chưa thông quan được tại các cửa khẩu vẫn còn rất lớn. Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 17/12 là 4.758 xe, tăng 207 xe so với sáng 16/12. 

Trong đó ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tồn tại khu vực cửa khẩu là 1.354 xe: xe hàng chờ xuất khẩu là 120 xe, bãi xe trung chuyển là 1.234 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu theo thống kê chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử...

Còn tại cửa khẩu chính Chi Ma tồn 665 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm...

Ở cửa khẩu phụ Tân Thanh, số lượng tồn rất lớn, lên tới 2.739 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài...

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết chưa cập nhật chính xác số liệu tồn tính đến sáng nay song ước chừng con số cũng vẫn tăng lên.

Theo ông Giang, cuối năm thường là cao điểm xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, cũng là thời điểm thu hoạch nông sản, lượng hàng chờ thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc rất lớn.

Khi hỏi về giải pháp tháo gỡ vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn - cho biết tạm thời khuyến cáo các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp  lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu Lạng Sơn để xuất khẩu.

Trong bối cảnh thông quan khó khăn, có doanh nghiệp phía Trung Quốc còn ra  thông báo cho biết: Do tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, vậy nên lái xe cửa khẩu cần trở về quê sớm để cách ly 21 ngày kịp đón năm mới, dẫn đến việc xuất hàng sang Việt Nam sẽ phải dừng sớm hơn Việt Nam.

Trước thông tin này, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết chỉ là dự liệu của doanh nghiệp, không phải thông tin chính thức từ phía các cơ quan chức năng.

Chưa thể giải quyết dứt điểm?

Trước tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu sang Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản khuyến cáo gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn như thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.

Đồng thời, Cục đề nghị chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính)...

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường. Một số mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Vào dịp Lễ tết (Tết Nguyên đán) của Việt Nam và Trung Quốc là thời điểm cao điểm xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao. Do đó, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là rất lớn.

Vừa qua, việc hàng nghìn xe tải hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: Nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, chuẩn bị hàng Tết. Phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19, khiến năng lực thông quan hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc rất chậm, họ tạm dừng thông quan ở cửa khẩu địa phương đẩy hàng hóa về các cửa khẩu chính trong khi nhân lực, phương tiện vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu thiếu...

Thực tế tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu là câu chuyện đã xảy ra không ít lần, không ít năm. Trong khi đó, về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho rằng "do nhiều nguyên nhân, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt".

Thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết "thường xuyên có văn bản, khuyến cáo gửi các địa phương, doanh nghiệp về vấn đề nêu trên".

Đọc thêm: Dự báo: Giá vàng có thể "tụt dốc không phanh", giá chưa đến 45 triệu đồng/lượng

Cùng chuyên mục